Phiên giao dịch 23/5 trên thị trường thế giới (kết thúc vào rạng sáng 24/5 giờ VN), giá dầu WTI giảm nhẹ cùng xu hướng giá sắt thép và cà phê, giá cao su. Trong khi đó, vàng tăng do USD giảm.
đọc thêm thông tin cao su: https://vietnambiz.vn/tags/gia-cao-su-4750.tag
Giá cao su tại Tokyo giảm nhẹ khỏi mức cao nhất 4 tháng qua đạt được trong phiên trước đó trong bối cảnh giá cao su tại Thượng Hải giảm, đồng yên vững giá hơn so với USD do lo ngại về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế thế giới vốn đã rất mong manh.
Giá cao su tại Tokyo giảm nhẹ khỏi mức cao nhất 4 tháng
Giá cao su hợp tại Tokyo giảm 2,5 yên xuống còn 196,5 yen (1,8 USD)/kg, giảm khỏi mức cao đạt được hôm 22.05 là 202.1 yên, mức cao nhất kể từ ngày 29/1/2018; Giá cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải chốt phiên giảm 320 NDT xuống còn 11.860 NDT (1.857 USD)/tấn. Đồng yên đã tăng 1% so với USD do lo ngại tình hình xấu đi khi Tổng thống Donald Trump tỏ ra không hài lòng về các cuộc đàm phán thương mại.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng vượt dự kiến.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 7/2018 giảm 0,36 USD xuống 71,84 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 7/2018 trái lại tăng 0,23 USD lên 79,80 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 5,8 triệu thùng trong tuần đến ngày 18/5. Đây là một kết quả bất ngờ bởi hầu hết các nhà phân tích trước đó đều dự báo lượng dầu dự trữ giảm. Theo Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ đã nâng tổng số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này lên 844 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Giá dầu đã tăng gần 20% từ đầu năm tới nay, chủ yếu do nguồn cung cắt giảm tại OPEC và các đối tác bao gồm Nga. OPEC có thể sẽ quyết định tăng sản lượng dầu ngay từ tháng 6 này do sản lượng của Venezuela sụt giảm, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, và sau khi Washington bầy tỏ lo ngại giá dầu đã tăng quá mạnh, theo Reuters.
Giới quan sát nhận định những lo ngại về tình hình địa chính trị vẫn là nhân tố đang hỗ trợ thị trường, trong khi nhu cầu có thể đạt 100 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm nay, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng do USD giảm so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Vàng giao ngay giá tăng 0,3% lên 1.294,19 USD/ounce, trong phiên có lúc giá đạt 1.297,84 USD/ounce – cao nhất kể từ 15/5; tuy nhiên vàng giao tháng 6/2018 giảm nhẹ 0,2%, tương đương 2,4 USD, xuống 1.289,6 USD/ounce.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng này không vội vàng trong lộ trình nâng lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách lại một lần nữa tranh luận về hướng đi của lạm phát. Một số ý kiến cho rằng những dữ liệu về lương gần đây cung cấp "không nhiều bằng chứng" về sự quá nóng của thị trường lao động. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều nghĩ rằng ngân hàng này sẽ sớm tiến hành tăng lãi suất nếu triển vọng kinh tế Mỹ không sa sút. Lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời, trong đó có vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,4% xuống 16,45 USD/ounce; giá bạch kim giảm 0,2% xuống 904,3 USD/ounce; trông khi giá palađi giảm 1,2% xuống 979,1 USD/ounce.
Trên thị trường sắt thép, giá thép xây dựng tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng do lo ngại về nguồn cung dư thừa quá mức. Giá thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải chốt phiên giao dịch giảm 1,4% xuống 3.531 NDT (553,44 USD)/tấn, phiên sáng chạm mức 3.511 NDT, mức thấp nhất kể từ ngày 23/4. Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên đóng cửa giảm 0,7% xuống còn 456,50 NDT /tấn, phiên giảm thứ 6 liên tiếp và phiên sáng đã chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/4.
Lo lắng về nguồn cung dư thừa đến từ việc tỷ lệ sử dụng công suất tại các nhà máy thép đã tăng lên mức 70,17% trong tuần trước. Sản lượng thép thô hàng ngày của các công ty thép lớn đạt kỷ lục mới 1,94 triệu tấn trong 10 ngày đầu tháng 5.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica giao tháng 7 chốt phiên giảm 1,5 cent, tương đương 1,2%, ở mức 1,1935 USD /lb, lần giảm đầu tiên trong 6 phiên qua do nhiệt độ ấm lên ở nước trồng cà phê lớn Brazil sau một đợt sương giá nhẹ ở một số khu vực; robusta giao tháng 7 giảm 39 USD, tương đương 2,2%, xuống 1.751 USD/tấn. Tuy nhiên, các điều kiện khô hạn ở Brazil đã dấy lên lo ngại ảnh hưởng tới sản lượng.
Giá đường tăng mạnh do dự báo sản lượng kém ở Brazin và Ấn Độ thông báo các biện pháp đối phó với nguồn cung cấp dư thừa đường. Ấn Độ đang xem xét xây dựng kho dự trữ gối vụ đường, điều này sẽ hạn chế xuất khẩu, ít nhất là trong ngắn hạn. Giá đường thô giao tháng 7 chốt phiên tăng 0,2 cent, tương đương 1,7%, đạt mức 12,35 cent/lb, sau khi tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần ở mức 12,44 cent. Giá đường trắng giao tháng 8 chốt phiên đã tăng 6,40 USD, tương đương 1,9%, đạt mức 349,40 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 26/3 là 350,30 USD.
Giá ca cao giao tháng 7 tại New York chốt phiên tăng 29 USD, tương đương 1,1%, đạt 2.618 USD/tấn, tăng trở lại từ mức thấp nhất trong 5 tuần là 2.575 USD vào hôm trước đó, do thị trường Mỹ bị áp lực bởi GBP yếu so với USD và hoạt động mua đầu cơ. Giá cacao giao tháng 7 tại Luân Đôn đã tăng 25 pound, tương đương 1,4%, đạt 1.882 pound /tấn.
Giá chè tại Bangladesh tăng trong phiên đấu giá tuần, tuần tăng thứ hai liên tiếp, do nhu cầu mạnh đối với lá chè chất lượng cao bất chấp khối lượng chào bán cao hơn.Giá chè Bangladesh đạt trung bình 223,71 taka (2,6 USD)/kg tại trung tâm đấu giá ở thành phố cảng Chittagong ngày 22/03, so với mức 216,14 taka tại lần bán trước đó ở trung tâm đấu giá mới ở Srimangal. Sản lượng chè của Bangladesh giảm xuống còn gần 79 triệu kg trong năm 2017 so với mức kỷ lục 85 triệu kg năm trước đó do mưa quá nhiều. Nước Nam Á này là nước xuất khẩu chè lớn thứ năm trên thế giới trong những năm 1990, nhưng hiện là nước nhập khẩu ròng vì mức tiêu thụ nội địa tăng mạnh theo tăng trưởng kinh tế.
Nhận xét
Đăng nhận xét