Nếu em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A, nguyện vọng 2 vào trường B. Đợt 1 em không đỗ trường A những đủ điểm đỗ trường B thì có được trúng tuyển ngay đợt 1 không?
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018 các thí sinh không bị hạn chế số lượng việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, các thí sinh nên tận dụng điều này và sắp xếp các nguyện vọng như thế nào để có tỉ lệ đỗ cao nhất?
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học giúp thí sinh giải tỏa những thắc mắc liên quan đấn vấn đề này.
- Thí sinh nên đăng ký tối đa là bao nhiêu nguyện vọng, tối thiểu là bao nhiêu nguyện vọng?
Số lượng nguyện vọng tùy thuộc vào số lượng sở thích, học lực, năng lực của các em. Nếu có quá nhiều nguyện vọng các em sẽ mất nhiều chi phí trong làm hồ sơ xét tuyển. Nếu ít thì các em sẽ mất đi cơ hội vào các trường đại học, chọn được ngành nghề theo học.
Tuy nhiên, thí sinh nên chia nguyện vọng này thành 3 nhóm.
Nhóm 1: Các ngành, các trường có điểm chuẩn năm 2017 và những năm trước đó cao hơn năng lực hiện tại của bản thân một chút.
Nhóm 2: Các ngành, các trường có điểm chuẩn năm 2017 và những năm trước đó ngang với năng lực hiện tại của bản thân.
Nhóm 3: Các ngành, các trường có điểm chuẩn năm 2017 và những năm trước đó thấp hơn năng lực hiện tại của bản thân một chút.
Ở mỗi một nhóm này, thí sinh nên lựa chọn khoảng 2-3 nguyện vọng là vừa phải, không quá nhiều, cũng không quá ít.
Để tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội đỗ hơn, Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng của mình ngay sau khi biết kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đây là cơ hội để thí sinh thay đổi nguyện vọng phù hợp với điểm thi thực tế của mình.
Các thí sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018 |
- Nếu em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A, nguyện vọng 2 vào trường B. Đợt 1 em không đỗ trường A những đủ điểm đỗ trường B thì có được trúng tuyển ngay đợt 1 không?
Trong xét tuyển đợt 1, nếu em không trúng tuyển nguyện vọng 1 mà đủ điểm để đỗ vào nguyện vọng 2 thì em có thể đợi các đợt xét tuyển bổ sung (nếu có) của trường.
Trong trường hợp mà em thấy ngành đã đỗ này không phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân thì em có thể đợi các đợt xét tuyển sau của các trường có nhu cầu. Khi đó, các em có thể nắm được thông tin về thời gian, địa điểm, chỉ tiêu xét tuyển của từng trường.
- Nếu em muốn thay đổi nguyện vọng của mình thì sẽ phải làm như thế nào?
Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nếu có nguyện vọng, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng Phiếu điều chỉnh.
Nếu sử dụng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số đăng ký ban đầu trong Phiếu đăng ký dự thi và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định.
Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào dữ liệu Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục.
Thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Nơi thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót, nếu có.
Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến thì thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong Phiếu đăng ký dự thi.
Trong thời gian thay đổi nguyện vọng này, các thí sinh sẽ làm 2 việc:
+ Thay đổi thứ tự nguyện vọng xét tuyển.
Tháng 4 này, em chọn nguyện vọng 1 vào ngành A nhưng kết quả thi có mức điểm cao hơn thì các em có thể đảo thứ tự các nguyện vọng mà em đã sắp xếp trước đó.
+ Em có thể bổ sung thêm nguyện vọng để tăng khả năng đỗ.
- Em được biết là để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển thì cần phải có số điện thoại di động để nhận mã xác nhận. Nếu khi đăng ký dự thi mà em chưa đăng ký số điện thoại di động thì em phải làm như thế nào để bổ sung được?
Theo quy chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, để điều chỉnh trực tuyến được nguyện vọng của mình thì các em phải đăng ký bằng số điện thoại di động để nhận mã OTP khi điều chỉnh.
Tuy nhiên, Bộ cũng cho phép các thí sinh trước ngày 19/7 có thể sử dụng mã và mật khẩu được cung cấp để đăng nhập và theo dõi thông tin, bổ sung số điện thoại.
Tuy nhiên từ ngày 19/7, để đảm bảo tính bảo mật thông tin của thí sinh, Bộ không cho phép các em thay đổi số điện thoại trực tuyến. Thí sinh buộc phải về điểm mà các em làm hồ sơ đăng ký dự thi để xin đăng ký lại.
Nhận xét
Đăng nhận xét