https://vietnammoi.vn/thuc-don-o-cu-khoe-cho-me-doi-dao-sua-cho-con-12293.html
Chị Nguyễn Thuỳ Duyên (sinh năm 1982, Hà Nội) chia sẻ thực đơn ở cữ cho các sản phụ sau sinh. Chị mới sinh bé được 6 tháng và hiện tại vẫn áp dụng ăn theo thực đơn này để đảm bảo đủ sức khỏe cho mẹ, dồi dào sữa cho con.Sau 10 năm mòn mỏi chờ đợi, tưởng chừng như tuyệt vọng, chị Nguyễn Thùy Duyên cuối cùng cũng mang thai. Hiện bé nhà chị đã hơn 6 tháng tuổi.
Được biết, để được làm mẹ, chị đã phải chạy chữa rất nhiều trong 10 năm dài đằng đẵng. Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình mang thai và sinh bé được không?
Chia sẻ với mọi người, để có được cháu là một hành trình tương đối dài và khó khăn với mình. Trước khi sinh cháu mình mắc căn bệnh u nang buồng trứng dạng lạc nội mạc cổ cung. Mình đã trải qua 2 lần phẫu thuật, lần đầu vào năm 2004, lần hai vào năm 2016. Chính căn bệnh đã khiến mình khó có con trong suốt 10 năm. Để có thai được mình cũng phải chạy chữa rất nhiều, có những lúc tưởng mất hết hy vọng. Nhưng may mắn như một phép nhiệm màu, mình đã có thai và sinh cháu vào ngày 10/5/2016.
Vì là sản phụ có bệnh lý nên mình trong suốt giai đoạn mang thai mình được các bác sĩ sản khoa thăm khám, theo dõi sức khỏe rất cẩn thận. Vì bệnh lý nên mình không thể sinh thường như các mẹ khác. Trước hai tuần so với dự kiến sinh, có chuyển biến xấu nên mình được bác sĩ Việt Hùng chỉ định mổ cấp cứu.
Trong quá trình mổ mình cũng bị lên cơn khó thở rất nhiều lần vì do thai nhi chèn gây tắc nghẽn đường hô hấp nhưng được ê kíp mổ tận tình giúp đỡ nên không có điều gì đáng tiếc xảy ra với hai mẹ con. Bé chào đời khoẻ mạnh, trộm vía chân tay cứng cáp, nặng 3,3kg. Khi nghe tiếng con khóc mà mình đã không cầm được nước mắt, sau hơn 10 năm hành trình chiến đấu với bệnh tật và chạy chữa để có con giờ thì mình đã được làm mẹ.
Bác sĩ Việt Hùng cùng ê kíp đã chúc mừng mình vì sau khi mổ lấy con, kiểm tra thấy cổ tử cung của mình đã bị sơ hoá nặng lại bị dính vào mặt sau trực tràng, buồng trứng phải đã teo mất, buồng trứng trái còn nhưng mô lành còn rất ít. Tại sao bé lại được thụ thai một cách tự nhiên bám vào cổ tử cung để lớn lên trong bụng mẹ một cách mạnh mẽ như vậy? Bác sĩ nói rằng |đây đúng là một phép màu, những người mắc bệnh này sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo còn không được huống hồ con lại mang thai được tự nhiên”.
Chị Duyên hạnh phúc bế con trong ngày đầy tháng của bé.
Theo kinh nghiệm của chị, sau sinh sản phụ nên ăn uống như thế nào để vừa đẩy nhanh quá trình hồi phục, vừa đảm bảo đủ sữa cho con bú?
Mình rất yêu thích nấu nướng và hay vào bếp tự tay làm các món ăn cho gia đình. Để đảm bảo duy trì nguồn sữa cho con bú, mẹ sau sinh cần chú ý duy trì ăn tốt, uống tốt và nghỉ ngơi tốt. Ngoài việc ăn nhiều cần lưu ý ăn đủ chất, phối hợp nhiều loại thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh ăn, chú ý uống đủ nước và uống thêm sữa. Ngoài ra mình cũng không kiêng ăn đồ tanh, vẫn ăn tôm, cá và các loại hải sản khác.
Về việc ăn hoa quả, sau sinh 3-4 ngày không ăn loại quả tính hàn như lê, dưa hấu. Nhưng sau thời gian này, có thể ăn hoa quả bình thường mà không sợ hại dạ dày cũng như ảnh hưởng lượng sữa cho bé.
Với sản phụ sinh mổ, cần lưu ý trong ăn uống như sau:
- Chia nhỏ bữa ăn.
- Ăn nhiều hoa quả và rau xanh
- Đa dạng món ăn, nhưng đặc biệt ăn nhiều tôm
- 6 tiếng sau sinh hoặc khi chưa trung tiện được chỉ được ăn chay
- 1-2 ngày sau sinh mổ, nên ăn những món loãng, dễ tiêu. 3-4 ngày sau sinh thì có thể ăn bình thường
Theo cá nhân chị, thực đơn sau sinh của chị có ưu điểm và nhược điểm gì?
Thực đơn sau sinh là do mình tự thiết kế, sau đó người nhà chế biến cho mình theo từng thực đơn mình lên hàng ngày.
Thực đơn này đa dạng phong phú, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Cũng có nhiều mẹ nói ăn vậy có hơi nhiều không? Đấy cũng là một nhược điểm vì đơn giản mẹ mình nấu với mong muốn cho con ăn nhiều để có nhiều sữa. Vì thế bà luôn sắp một mâm cơm khá đầy đặn. Có bữa mình ăn hết, có bữa ăn không hết. Nhưng rau và hoa quả thì luôn ăn hết.
Thực đơn của chị luôn ưu tiên rau và trái cây.
Có một số món như sữa chua, dứa mà theo quan niệm của các cụ, không nên ăn vì chua và ảnh hưởng đến sữa, khiến bé tiêu chảy. Chị nghĩ sao về điều này?
Quan niệm ăn dứa và sữa chua không tốt cho mẹ và bé mình nghĩ đây không còn là một quan niệm đúng. Sữa chua giúp mẹ dễ tiêu hoá vì sau sinh các mẹ thường bị nóng trong và táo bón. Dứa lại mát và nhiều chất xơ. Bản thân mình khi ăn không bị đầy bụng hay tiêu chảy như một số mẹ nói.
Chị ăn theo thực đơn này trong bao lâu, có bị tăng cân nhiều và có nhiều sữa không
Mình vẫn giữ thói quen ăn uống theo thực đơn này. Để không bị tăng cân mà vẫn đủ sữa cho con, mình ăn uống đầy đủ và tập những bài tập nhẹ nhàng cho các mẹ sau sinh. Khi mang bầu mình tăng 15kg, hiện mình đã giảm được 11kg mà sữa không hề ít đi.
Mình thường ăn 3 bữa chính, thêm 1-2 bữa ăn nhẹ phụ vào đầu giờ chiều. Ở đây như mình đã chia sẻ không nên ăn quá nhiều một bữa mà nên chia khẩu phần ăn theo từng bữa nhỏ. Khoảng 5-6 bữa trong ngày, trong đó có 3 bữa chính, 1-2 bữa ăn phụ.
Theo dân gian, ăn móng giò hoặc chân chó sẽ có nhiều sữa. Vậy chị có áp dụng cho thực đơn sau sinh của mình?
Mình cũng biết đến kinh nghiệm dân gian này. Nhưng theo các bác sĩ sản khoa, móng giò hay chân chó đều không có tác dụng lợi sữa thần kỳ như vậy. Để đủ sữa, cần duy trì tâm lý ổn định, ăn uống đa dạng, đặc biệt uống nhiều nước, ít nhất 2-3 lít/ngày. Ăn móng giò chỉ khiến mẹ tăng cân nhiều hơn thôi.
Nói chung để hồi phục nhanh và luôn tự tin đủ sữa cho con bú, bản thân người mẹ ngoài ăn uống đủ chất, cần giữ tinh thần thoải mái. Gia đình cũng nên chia sẻ, động viên và đừng bắt phải kiêng khem thái quá, không khoa học. Người chồng nên nói chuyện và quan tâm nhiều hơn đến vợ trong giai đoạn ở cữ này, như vậy sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho sản phụ hồi phục sức khỏe và cho con bú thành công.
Xin cảm ơn chị vì những kinh nghiệm và chia sẻ rất hữu ích này!
Sau đây là thực đơn sau sinh mà chị Duyên đang áp dụng.
Minh Trang
Nhận xét
Đăng nhận xét